HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ CHUYỆN KHỞI NGHIỆP TRONG PHIM START-UP?



1. Luôn cần mentor:
Bạn luôn cần một mentor hướng dẫn, tư vấn, cho bạn lời khuyên khi bắt đầu khởi nghiệp, nhưng không phải lúc nào cũng có và không phải mentor nào cũng giỏi, vì vậy nếu có được mentor mà mentor đó dày dặn kinh nghiệm đó là may mắn của bạn.
Trong phim nhóm bạn trẻ đã tìm được Trưởng phòng Han, nếu không có những hướng dẫn đả thông tư tưởng từ mentor này thì con đường đi của họ sẽ còn gập ghềnh hơn rất nhiều.
Nhưng dĩ nhiên, mentor thực tế chắc hiếm có chuyện gửi 400 câu hỏi đủ thứ vẫn được trả lời chi tiết đầy đủ như vậy nha, nên đừng kỳ vọng như thế nhé.



2. Việc ai người nấy làm:
Nếu bạn giỏi chuyên môn kỹ thuật, giỏi việc tạo ra sản phẩm và bạn có ý tưởng kinh doanh dựa trên điều đó, bạn phải thừa nhận thế mạnh của mình không phải là kinh doanh. Thay vì ôm đồm cả điều hành kinh doanh rồi không việc nào nên hồn, hãy chuyên tâm tập trung sáng tạo sản phẩm và tìm người giỏi kinh doanh để cùng khởi nghiệp.
Nên nhớ công việc nên được chuyên môn hóa, bạn giỏi gì thì làm đó, không phải ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ bạn thì bạn cũng có thể điều hành kinh doanh trơn tru được.

3. Tiền là số một:
Không có tiền khó khởi nghiệp. Nếu bạn giỏi, bạn có thể đảm đương nhiều vị trí công việc, làm bù cho nhiều chức danh, nhờ đó giảm chi phí nhân sự, nếu bạn là người trực tiếp làm ra sản phẩm thì càng đỡ tốn, bạn có thể khởi động kinh doanh trong tình thế lấy “cái giỏi” của mình bù đắp tạm cho việc thiếu tiền trong giai đoạn đầu.
Nhưng nếu bạn chưa giỏi hoặc chỉ giỏi vừa vừa thì sao? Thì bạn phải có thủ tục “đầu tiên” là “tiền đâu” nha. Tiền này để làm gì? Để bạn tìm những người giỏi làm cùng với bạn và tranh thủ học hỏi “cái giỏi” của người ta. Tuy vậy, khởi nghiệp thì rất cần tiền, nhưng nếu khởi nghiệp mà vì tiền ngay từ đầu thì chưa chắc thành công.

4. Sẵn sàng liều:
Phần lớn mọi người cho phép mình liều vì…không có gì để mất. Vậy nên khi mới start up, mọi thứ còn non trẻ thì hãy cho mình cơ hội thử nghiệm, thay đổi, điều chỉnh, “ra khơi không bản đồ” như trong phim nhé.
Cứ làm đi, dĩ nhiên cũng đừng liều thí mạng, hãy dành cho mình một con đường lui, mục đích là để… Start-Up lại bất cứ khi nào là được rồi. Sau một thời gian khi doanh nghiệp phát triển hơn, đạt được chút thành tựu, bạn sẽ thấy không bao giờ bạn có được trải nghiệm “liều” như những ngày đầu nữa, và cái liều của người có kinh nghiệm, có-gì-để-mất không bao giờ “đã” bằng.




5. Viral marketing vô cùng quan trọng:
Khi mới khởi nghiệp, chưa có nhiều tiền, hoặc tiền để ưu tiên cho R&D, bạn sẽ không thể làm marketing rầm rộ, lúc đó làm kiểu “word of mouth” truyền miệng hay viral lan tỏa thông điệp qua các cá nhân là vô cùng giá trị luôn. Đừng chỉ tập trung làm sản phẩm cho tốt cũng đừng nghĩ quảng bá qua cá nhân lan toả không cao, với sự trợ giúp của internet thì WoM có quyền năng không tưởng.
Giống như trong phim, chỉ nhờ một anh vận động viên nổi tiếng mà danh tiếng sản phẩm của nhóm bạn trẻ khởi nghiệp bước sang trang đó thôi.

6. Bằng cấp chưa phải là yếu tố quyết định:
Không phải có học vấn, có bằng cấp thì mới có thể kinh doanh giỏi. Mặc dù việc có đào tạo sẽ giúp bạn tiếp cận vấn đề nhanh hơn và dễ hơn, và theo thời gian nếu chưa được đào tạo đôi khi bạn phải đi học.
Nhưng nếu bạn thông minh và có khả năng tiếp thu cao, thì chuyện bằng cấp có thể không phải là tất cả. Tuy nhiên, cá nhân mình khuyến khích mọi người học hành tử tế nha, vì việc có học giúp bạn dễ nhận ra mình có thật sự thông minh và nhạy bén để kinh doanh không.

7. Đưa ra quyết định là phải dứt khoát:
Điều mình thích nhất khi khởi nghiệp kinh doanh là giúp mình đưa ra quyết định rất dứt khoát và có lý do rõ ràng. Trong kinh doanh đôi khi cơ hội đến trong tích tắc, nếu bạn không ra được quyết định đôi khi bỏ lỡ ngay, đặc biệt là những ngày khởi nghiệp, rủi ro kinh doanh nhiều hơn lúc nào hết.

8. Nếu không thể chiến thắng kẻ thù, hãy trở thành đồng minh:
Đây là câu nói mình tâm đắc nhất trong phim này, và đã có nhiều cơ hội kiểm chứng trong thực tế công việc của mình. Bởi thế nên, trong quan điểm của mình luôn luôn “tứ hải giai huynh đệ” nha.
Mình không có khái niệm đối thủ, kẻ thù trong kinh doanh, và luôn sẵn sàng liên minh nếu đôi bên cùng có lợi. Mình không spoil phim nên mọi người có thể xem phim để biết tình huống của câu này nhé.

9. Phải biết cách đọc hợp đồng:
Không biết mọi người làm kinh doanh thế nào nhưng với mình, khi start-up, kiến thức đầu tiên phải học là “đọc hợp đồng” nha. Chỉ một từ lấp liếm thôi, khi có chuyện xảy ra là mất toi tất cả.
Biết đọc hợp đồng là phải biết về các quy định kinh tế, cách ràng buộc các điều khoản... Biết đọc hợp đồng rồi mới biết soạn hợp đồng, mà kinh doanh mua bán thì lúc nào chẳng cần hợp đồng đúng không?

10. Sẵn sàng chịu tổn thương:
Quyết định kinh doanh là phải sẵn sàng nghe những lời khó nghe về công việc của mình, năng lực của mình, sản phẩm của mình…nha. Đôi khi là những lời góp ý thẳng thắn nhưng chân thành, nhưng đôi khi là chỉ trích mỉa mai ức không chịu được.
Nhưng miễn là người ta nói đúng thì dù có phũ phàng, có tổn thương thì cũng phải bình tĩnh nghe, bình tĩnh sửa nhé. Bởi có người chỉ ra cho mình những mặt chưa được là may mắn lắm rồi.




11. Đừng vội thăng hoa:
Ngay ở những thành công đầu tiên, đừng vội say chiến thắng. Thành công càng lớn người ta càng tung hê mình rất nhiều. Nhưng cuộc chơi kinh doanh vốn là đường trường, và hiệu quả cuối cùng mới là chiến thắng thật sự. Những thành công “đầu voi đuôi chuột” trên thực tế là rất nhiều.

12. Tự hào về sản phẩm mình làm ra:
Cho dù có thể chưa thành công (chỉ là chưa) nhưng bạn phải luôn có lòng tự hào với sản phẩm, ít nhất là vì bạn đã kiên trì và cống hiến tất cả trí tuệ vào đó.
Đặc biệt khi bạn là người đứng đầu, bạn còn cần thể hiện lòng tự hào nhiều hơn nữa, bởi nếu bạn tạo nó ra mà bạn không tự hào về nó, không tin dùng nó thì làm sao bạn thuyết phục được nhân viên của mình tự hào hay thuyết phục khách hàng tin dùng.

13. Kinh doanh chuyên nghiệp không có chỗ cho tình cảm:
Trong phim, các nhân vật thường đưa ra những nhận định có tình cảm thì sao, ngoài tình cảm thì sao. Bởi vì chúng ta phải luôn cố gắng tìm cách đặt tình cảm ra ngoài công việc. Đã làm việc, đã kinh doanh là phải hướng đến chuyên nghiệp, dĩ nhiên có tình có lý nhưng không có nghĩa là xem trọng tình cảm hơn nguyên tắc xử lý công việc.
Đôi khi các nhân vật chính đưa ra nhiều quyết định dựa trên tình cảm và phải dằn vặt kiểu chọn con tim hay theo lý trí, nhưng thật ra chỉ có thể như vậy ở những ngày đầu khởi nghiệp với quy mô công ty nhỏ và cả nhóm làm việc được thành lập dựa trên mối quan hệ bạn bè.

14. Chỉ khởi nghiệp với chuyên môn mà mình yêu thích:
Bởi nhờ niềm yêu thích đó bạn mới có thể vượt qua mọi khó khăn trở ngại trên con đường dài kinh doanh. Như trong phim các bạn lập trình viên thì khởi nghiệp cty công nghệ, Dal-mi thích kinh doanh và nhạy bén thì làm Giám đốc Kinh doanh…
Chỉ có dựa trên thế mạnh mà mình yêu thích thì sau này dù kinh doanh có trúc trắc thế nào, mình vẫn có điểm tựa là chính bản thân để cố gắng vượt qua.

15. Thành phần khởi nghiệp phải có đủ kiềng ba chân:
Như trong phim, bộ sậu công ty Samsang khi vào Sandbox có 3 đối tượng nhân sự điển hình theo mình là một kiềng ba chân mà một startup nên có ngay khi bắt đầu: đó là một người có óc kinh doanh (như Dal-mi chẳng hạn), một người giỏi chuyên môn để sáng tạo ra sản phẩm (như bộ ba Samsang), một người nắm về luật lệ mà nhiều công ty gọi là legal ấy (như Saha).
Đúng ra vị trí cô bạn Saha theo mình nghĩ nên là người làm tài chính thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên giai đoạn đầu coi như Dal-mi kiêm nhiệm.

16. Hiểu thương trường là khốc liệt:
Bước vào thương trường là xác định có thể thành công thăng hoa tột đỉnh nhưng cũng có thể thất bại thảm hại thậm chí là dấu chấm hết của cuộc đời. Như trường hợp một bạn startup tìm đến cái chết trong phim. Vậy cuối cùng điểm mấu chốt là gì, đó là mức độ kỳ vọng của bạn đang đặt ra cho việc khởi nghiệp đó là như thế nào.
Đối với đàn ông mức độ kỳ vọng của họ một khi đã khởi nghiệp có thể trở thành tham vọng, và họ có thể bỏ tất cả chỉ để đạt được mục tiêu cuối cùng. Còn đối với phụ nữ mình quan sát thấy thì phần lớn không như thế. Vì vậy, mỗi người cần cân nhắc xem bạn có dám bỏ hết tất cả chỉ để theo đuổi một mục đích là sự nghiệp kinh doanh hay không?
Còn nếu bạn vẫn muốn được nhiều thứ hơn ngoài kinh doanh thì phải hiểu rằng sự nghiệp của bạn hoàn toàn có thể chỉ phát triển đến một mức độ chừng mực nào đó mà thôi, từ đó đặt kỳ vọng của mình cho phù hợp, giảm thiểu áp lực cho bản thân.

17. Kinh doanh lãng mạn vs. Kinh doanh lý trí?
Trong phim sẽ thấy rõ hai trường phái này, tuy nhiên theo mình, bạn chỉ có thể theo “kinh doanh lãng mạn” khi bạn có tài năng hoặc trường vốn, còn bạn sẽ kinh doanh lý trí khi bạn đã có nhiều kinh nghiệm. Mọi người thấy có đúng không?

18. Còn đúc kết cuối cùng là tình yêu nha:
Xen lẫn trong câu chuyện khởi nghiệp là chuyện tình yêu ha, nếu không yêu đương thì chán chết đúng không? Mình thấy tình yêu cũng như khởi nghiệp nha, lúc nào cũng có ngã ba đường, phân vân ngập ngừng, khó ra quyết định...
Nhưng khởi đầu tình yêu cũng như khởi nghiệp vậy đó, nếu không quyết liệt và có chút liều, thì chẳng có tình yêu nào tồn tại, và có lẽ sẽ mãi nuối tiếc mà thôi như một nhân vật trong phim đó.
Dù thực tế dĩ nhiên không được nhuộm hồng như phim, nhưng xem phim xong thấy có thêm động lực start-up là coi như không uổng thời gian coi phim rồi ha.

_ST_

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.